MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong nền kinh tế thị trường ngày nay, rủi ro liên quan đến hoạt động tín dụng của Ngân hàng ngày càng nhiều và mức độ vi phạm dẫn đến rủi ro ngày càng phức tạp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro cho Ngân hàng, từ nguyên nhân khách quan đến nguyên nhân chủ quan. Trong những năm gần đây, lịch sử hoạt động ngành ngân hàng đã từng chứng kiến không ít các Ngân hàng Thương mại cổ phần bị phá sản, bị sát nhập vào các tổ chức tài chính mạnh do không gánh nổi những tổn thất xảy ra do rủi ro từ hoạt động tín dụng. Do đó, việc nhận diện và kiểm soát rủi ro nhằm hạn chế tổn thất trong hoạt động cho vay là vô cùng quan trọng và là việc làm cấp thiết.
Trong những thách thức và rủi ro đó, kiểm soát nội bộ có vai trò quan trọng trong quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro tín dụng Ngân hàng Thương mại nói riêng, là một trong những cơ sở đảm bảo cho hoạt động tín dụng an toàn, vững mạnh. Để hoạt động của Ngân hàng bền vững thì hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả là một yếu tố then chốt và là nền tảng, giúp đảm bảo việc đạt được các mục tiêu và mục đích của Ngân hàng, duy trì tình hình tài chính và quản trị đáng tin cậy, đảm bảo việc Ngân hàng tuân thủ các luật và quy định cũng như các chính sách, kế hoạch, quy tắc và thủ tục nội bộ; từ đó giảm thiểu các rủi ro về thua lỗ không mong muốn và bảo vệ danh tiếng của Ngân hàng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Kon Tum còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Do các đặc điểm cố hữu, hệ thống kiểm soát nội bộ có thể không ngăn ngừa và phát hiện hết các sai sót. Hơn nữa, việc đánh giá tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ trong tương lai dựa trên kết quả hiện tại sẽ không còn đầy đủ do thay đổi điều kiện, hoàn cảnh liên quan hoặc mức độ tuân thủ các chính sách và thủ tục có thể giảm sút. Vì vậy, tôi đã chọn đề tài “Hoàn thiện kiểm soát nội bộ đối với hoạt động cho vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Kon Tum” làm nội dung nghiên cứu cho luận văn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Làm rõ và đánh giá thực trạng kiểm soát nội bộ đối với hoạt động cho vay doanh nghiệp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Kon Tum (Agribank Chi nhánh tỉnh Kon Tum).
Đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện kiểm soát nội bộ đối với hoạt động cho vay doanh nghiệp tại Agribank Chi nhánh tỉnh Kon Tum.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Kiểm soát nội bộ đối với hoạt động cho vay.
Phạm vi nghiên cứu:
Nội dung: Tập trung nghiên cứu thực trạng công tác kiểm soát nội bộ đối với hoạt động cho vay khách hàng doanh nghiệp tại Agribank Chi nhánh tỉnh Kon Tum.
Thời gian: Dữ liệu, số liệu phân tích trong 3 năm: 2015, 2016, 2017.
Địa điểm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Kon Tum.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Tổng hợp lý luận và các lý thuyết cơ bản làm cơ sở tìm hiểu thực trạng quy trình cho vay khách hàng doanh nghiệp, từ đó đánh giá hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ.
Phương pháp phỏng vấn: Quan sát, phỏng vấn nhân viên các bộ phận tín dụng và các bộ phận liên quan tại Ngân hàng.
Phương pháp phân tích số liệu: Phân tích, so sánh, tổng hợp thông tin từ chứng từ, sổ sách kế toán thu thập được để đánh giá công tác kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay doanh nghiệp tại Ngân hàng.
5. Bố cục luận văn
Chương 1: Cơ sở lý luận về công tác kiểm soát nội bộ đối với hoạt động cho vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Kon Tum.
Chương 2: Thực trạng công tác kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Kon Tum.
Chương 3: Những giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Kon Tum.
6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu