MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Đăk Hà là một trong những huyện phát triển của tỉnh Kon Tum. Những năm gần đây, tình hình kinh tế – xã hội của huyện Đăk Hà tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực giáo dục, mạng lưới trường lớp tiếp tục được đầu tư, mở rộng theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo nhu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn huyện. Trong lĩnh vực y tế, việc khám chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ tại các phòng khám đa khoa khu vực và tuyến xã cũng được nâng cao. Chính vì vậy, ngân sách chi cho lĩnh vực y tế và giáo dục trong những năm qua trên địa bàn huyện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách nhà nước, đòi hỏi công tác kiểm soát chi (KSC) trong lĩnh vực y tế và giáo dục phải được quan tâm nhằm đảm bảo các khoản chi được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả trong điều kiện nguồn thu ngân sách còn hạn hẹp.
Gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và xây dựng cơ chế kiểm soát đối với các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Việc ban hành các chính sách này đã giúp công tác kiểm soát chi đối với các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục trên địa bàn huyện Đăk Hà có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc quản lý kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động y tế và giáo dục trên địa bàn huyện Đăk Hà cũng như công tác tổ chức thực hiện kiểm soát chi ngân sách tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đăk Hà nói chung vẫn còn tồn tại một số nhược điểm, dẫn đến việc phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính chưa thật sự tiết kiệm và hiệu quả.
Vì vậy, việc nghiên cứu, phát huy những mặt tích cực, đồng thời tìm tòi và đề xuất các giải pháp khắc phục những mặt còn hạn chế trong kiểm soát chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Đăk Hà.
Xuất phát từ thực tế trên, tác giả đã chọn đề tài nghiên cứu:
“Kiểm soát chi thường xuyên ở đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục tại Kho bạc Nhà nước Đăk Hà, tỉnh Kon Tum” với mong muốn đề xuất các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, tiết kiệm và có hiệu quả các khoản chi thường xuyên ở các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục trên địa bàn huyện Đăk Hà.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là trên cơ sở những cơ sở lý luận về chi thường xuyên ngân sách nhà nước và kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, phân tích thực trạng hoạt động kiểm soát chi tại KBNN Đăk Hà đối với các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kiểm soát chi tại KBNN Đăk Hà, đảm bảo việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước của các đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế trên địa bàn huyện Đăk Hà được đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu:
Công tác kiểm soát chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục tại Kho bạc Nhà nước Đăk Hà.
Phạm vi nghiên cứu:
Về không gian: Công tác kiểm soát chi thường xuyên tại các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục được thực hiện tại KBNN huyện Đăk Hà.
Về thời gian: Số liệu minh họa và phân tích được lấy chủ yếu trong năm 2017.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính sau đây:
Phương pháp tổng hợp, hệ thống hóa để làm rõ cơ sở lý luận về kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước.
Phương pháp khảo sát, phỏng vấn và phân tích, tổng hợp số liệu để đánh giá thực trạng kiểm soát chi thường xuyên tại các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục ở KBNN Đăk Hà.
Phương pháp tổng hợp, phân tích nhằm phát hiện hạn chế, nguyên nhân và từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục tại KBNN Đăk Hà.
5. Bố cục đề tài
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được cấu trúc gồm ba chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về kiểm soát chi thường xuyên ở các đơn vị sự nghiệp công lập qua Kho bạc Nhà nước.
Chương 2: Thực trạng kiểm soát chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục tại KBNN Đăk Hà.
Chương 3: Giải pháp hoàn thiện kiểm soát chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục tại KBNN Đăk Hà.
6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu