⚠ Vui lòng bật JavaScript để có trải nghiệm tốt nhất trên website này!

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM – CHI NHÁNH TRÀNG AN HÀ NỘINÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM - CHI NHÁNH TRÀNG AN HÀ NỘI

Anh chup man hinh 23 5 2025 142237 hmigninkgibhdckiaphhmbgcghochdjc
Miễn phí
Tác giả: Chưa cập nhật
Ngày: Trước 2025
Định dạng file: .PDF
Đánh giá post
6 lượt xem

MỞ ĐẦU

Tính cấp thiết của đề tài: Ở bất kỳ một quốc gia nào, hệ thống ngân hàng thương mại luôn đóng vai trò quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế, là hơi thở trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, là nhân tố không thể thiếu để tập trung nguồn lực vốn cho phát triển đất nước. Cùng với sự tăng trưởng và phát triển không ngừng của nền kinh tế, nhu cầu vốn đã trở nên vô cùng quan trọng, cấp thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới trang thiết bị máy móc thiết bị cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hoạt động của các ngân hàng thương mại đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển đó. Kể từ khi chuyển từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình, mạng lưới, quy mô hoạt động và năng lực tài chính, đã góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá trị đồng tiền. Ngoài hệ thống ngân hàng quốc doanh còn có các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh…, các nghiệp vụ cũng đổi mới và từng bước hiện đại hóa, tiếp cận với công nghệ và thông lệ quốc tế. Với hoạt động tín dụng và các dịch vụ đa dạng, ngân hàng đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu vốn của khách hàng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Ngày nay, ngân hàng đã trở thành một mắt xích quan trọng cấu thành nên sự vận động nhịp nhàng của nền kinh tế. Cùng với các ngành kinh tế khác, ngân hàng có nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường tiền tệ, kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đang trong thời kỳ chưa ổn định, môi trường pháp lý đang dần được hoàn thiện, tỷ lệ lạm phát tăng cao, giá vàng biến đổi thất thường, thị trường bất động sản chưa khởi sắc nên hoạt động kinh doanh của các NHTM còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chất lượng tín dụng chưa cao mà biểu hiện là nợ quá hạn, nợ khó đòi hay còn gọi là nợ xấu còn lớn. Việc phân tích một cách chính xác, khoa học các nguyên nhân phát sinh rủi ro tín dụng để từ đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng tín dụng vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài được nhiều ngân hàng quan tâm tới. Nói như vậy bởi lẽ, trong điều kiện hiện nay, hoạt động tín dụng là hoạt động quan trọng và cơ bản nhất trong toàn bộ các hoạt động của NHTM. Hoạt động đó đã tạo ra phần lớn tài sản trong tổng tài sản của các NHTM và là hoạt động tạo ra nguồn thu nhập chính của mỗi ngân hàng dưới hình thức thu nhập từ lãi cho vay. Tuy nhiên, hoạt động này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây tổn thất rất lớn, dẫn đến mất khả năng thanh toán hay phá sản của ngân hàng. Chính vì vậy mà “chất lượng tín dụng” luôn là vấn đề “sống còn” trong hoạt động kinh doanh mà bất cứ một ngân hàng nào cũng cần phải quan tâm trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của mình. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NHNo&PTNT) Việt Nam – Chi nhánh Tràng An Hà Nội là chi nhánh được đổi tên từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NHNo&PTNT) Việt Nam – Chi nhánh Láng Thượng theo Quyết định số 1463/QĐ/HĐQT-TCCB ngày 03/12/2008 của Chủ tịch Hội đồng NHNo&PTNT Việt Nam, là một chi nhánh hoạt động trên địa bàn Thủ đô – trung tâm kinh tế chính trị của cả nước. Đây vừa là môi trường hấp dẫn, vừa là tiềm năng lớn trong kinh doanh nhưng đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ đối với chi nhánh. Hoạt động trên cùng một địa bàn với nhiều NHTM lớn, sự cạnh tranh trong kinh doanh là không thể tránh khỏi. Song, kể từ khi thành lập cho đến nay, chi nhánh đã từng bước phấn đấu, ngày một hoàn thiện hơn và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, có tốc độ phát triển tương đối nhanh về mọi mặt, đã khẳng định được vị trí trên thị trường. Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội hiện nay, hoạt động tín dụng của chi nhánh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, nhiều tiềm ẩn rủi ro trong kinh doanh. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tín dụng, cùng với những kiến thức đã học tập, nghiên cứu, tôi quyết định chọn đề tài “Nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Tràng An Hà Nội” để làm luận văn thạc sĩ của mình.
Mục đích nghiên cứu của đề tài: – Nghiên cứu và làm rõ hơn cơ sở lý luận về tín dụng và chất lượng tín dụng của các NHTM trong nền kinh tế thị trường. – Khảo sát toàn diện và có hệ thống về thực trạng chất lượng tín dụng của Chi nhánh NHNo&PTNT Tràng An, Hà Nội. – Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại NHNo&PTNT chi nhánh Tràng An Hà Nội.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: – Đối tượng nghiên cứu: + Các lý luận cơ bản về tín dụng và chất lượng tín dụng của NHTM. + Thực trạng chất lượng tín dụng tại NHNo&PTNT Chi nhánh Tràng An, Hà Nội. – Phạm vi nghiên cứu: Nâng cao chất lượng tín dụng tại NHNo&PTNT chi nhánh Tràng An Hà Nội trong giai đoạn 2012 – 2014.
Phương pháp nghiên cứu: Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu: duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phương pháp tổng hợp, phân tích, thống kê, so sánh… Thu thập tài liệu qua các báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của NHNo&PTNT Chi nhánh Tràng An, Hà Nội từ năm 2012 – 2014; tài liệu báo cáo thường niên năm 2012, 2013, 2014 và các văn bản liên quan đến công tác tín dụng trong hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam. Ngoài ra còn sử dụng phương pháp đặt câu hỏi và phỏng vấn trực tiếp cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định cũng như ban lãnh đạo tại Chi nhánh NHNo&PTNT Tràng An.
Kết cấu của luận văn: Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu làm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng thương mại.
Chương 2: Thực trạng chất lượng tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Tràng An Hà Nội.
Chương 3: Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Tràng An Hà Nội.